Thăm thẳm chốn về...

Cô gái về quê vì đang có vụ đình công ở công ty cô đang làm việc. Và đôi vợ chồng đứng ngồi thấp thỏm nhai cái bánh mì khô khốc kia vừa ra khỏi bệnh viện sau cuộc kiểm tra tổng quát. Một bà cụ khác ngồi cạnh tôi đã ở chơi với con được mấy ngày. Ngồi chờ xe, chỉ cần năm phút thôi cũng đủ mỗi người khoả ra một khoảng đời mình.

Bãi xe buổi trưa nắng quánh quéo những bóng người. Khói nắng trôi lên từng lát mỏng gờn gợn. Những cái bến xe mà tôi biết hầu như không thay đổi mấy, kể từ ngày tập tành đi rong. Chúng luôn có mùi giống nhau, khăm khẳm mùi nước tiểu, mùi của những bãi nôn vì say xe, mùi nhiên liệu cháy khét… Chúng ngập nước ròng ròng vào mùa mưa, cùng bao nhiêu rác nổi rác chìm. Chưa bao giờ trong đầu tôi thôi nghĩ, bến xe là một cái bẫy của bọn ma cô lừa đảo, bọn trộm cắp giật giỏ, móc túi. Một thứ sa mạc. Sau này đi nhiều, thấy người ta đúng là xây dựng bến xe theo kiểu sa mạc, không bóng cây, không bãi cỏ, càng không có hoa. Một cú choáng váng của cuộc xa nhà. Ngồi chờ xe trên một băng đá cũ kỹ tróc lở nào đó, chen chúc giữa những người xa lạ, chìm lẫn giữa những tiếng rao hàng, gió bụi và rác… tôi bắt đầu hình dung một cách rõ ràng chặng đường mình sẽ đi, những va chạm mà mình sẽ gặp, những cô độc lạc lõng mình sẽ nếm trải. Cái xô bồ xô bộn, náo nhiệt, sự mời gọi nồng nặc của bến xe luôn gây cảm giác, ta đã rời khỏi mái ấm.

Ở đó, dù để ra đi hay trở về, trên những gương mặt người cũng phảng phất hoang mang. Cô công nhân bất an, liên tục xoay điện thoại di động trong tay, nhắn tin và liên tục thở dài, “em sợ bị đuổi quá. Thất nghiệp về nhà làm ruộng, buồn chết luôn…”. Đôi vợ chồng bất an, săm soi lục lọi hồ sơ bệnh án, rồi thở dài thở vắn. Bà cụ bất an, hỏi tôi, sao lâu quá mà xe chưa chạy, mấy đứa cháu ngoại ở dưới quê chắc đang trông dữ lắm.

Bà cụ không điện thoại di động nên chẳng ai gọi với theo. Người con trai tiễn bà đến đây đã quày quả bỏ về, “chiều nay con phải họp…”. Bà nhìn theo bóng con, rưng rưng. Bà hỏi tôi có biết công ty X lớn thiệt lớn ở Sài Gòn này không, thằng Hai bà đang làm ở đó. Nó giàu lắm, bà tự hào, mua nhà xong rồi, cuối năm này mua xe hơi. Tôi hỏi sao bác không ở chơi, bà hơi cúi mặt, “ờ, thì nhớ nhỏ con út dưới quê, nên về…”.

Xe vẫn chưa chạy. Bà cụ lại bắt chuyện, bà kể mấy hôm trước gặp chuyện hú vía, định mở đèn, nhấn nhầm cái còi báo cháy gì đó, làm con cháu nửa đêm nháo nhác. Bác đâm ra sợ mấy cái nút tròn tròn vuông vuông, nên đi vệ sinh không xả nước, rốt cuộc lại phiền phức. Chân tay mạnh giỏi, mà đi đâu làm gì cũng chờ mấy đứa nhỏ dẫn, tức mình quá. Tới lui một mình thì sợ con chó bực bội rồi nó... cắn. Mà, con chó đó cao lớn như con bò, ăn toàn đồ ngon, tới bữa cơm đồ ăn trên bếp chia ra, chó một dĩa, người một dĩa…

Tôi im lặng để lắng nghe câu chuyện về một người quê đi lạc, nhưng bà cụ đã thôi kể. Bà lúi húi xốc mớ đồ trong hai cái giỏ xách đặt dưới chân, rồi xếp lại y như cũ, như thể nếu bà không làm gì, bà sẽ khóc mất. Hồi lâu, bà ngẩng lên hỏi tôi, “cái nón này tầm ba ngoài tuổi đội hợp không con ? Bác mua cho con Út, tội nghiệp, hồi đó nó nghỉ học, đi mần mướn để kiếm tiền phụ lo cho anh nó. Giờ có chồng rồi, chồng nó cũng nghèo, xấu trai mà tử tế lắm…”.

Xe bắt đầu chậm rãi lăn bánh. Lên đường. Những hành khách ngồi thưa thớt, thở hắt ra, về nhà. Hành trình dài bảy giờ đồng hồ, sẽ đến một cái bến khác.

Bảy giờ nữa, chúng tôi được nằm duỗi dài trên chiếc giường thân thuộc, ủi thẳng cái lưng đau sau chặng đường thăm thẳm xa. Bà cụ, đôi vợ chồng và cô công nhân ở huyện sẽ mất thêm một đoạn đường vài chục cây số, rồi cũng sẽ đến nhà. Chúng tôi sẽ gặp lại bộ vạc, cái ngạch cửa, gian bếp, căn buồng, chiếc võng quen. Đến nỗi nhắm mắt, dò dẫm cũng có thể tìm và chạm tay vào chúng, lu nước, hũ gạo, tủ chén, giàn củi…

Nhưng mỗi chúng tôi, dường như không bao giờ về được đúng nơi mình đã ra đi. Cô công nhân không về được cái ngày cô còn là thôn nữ, quanh quẩn với ruộng vườn, lặng lẽ làm những công việc bếp núc, đồng áng, thuở cô không mơ mộng vì chưa hề biết có một thành phố rực rỡ phía chân trời. Đôi vợ chồng mệt mỏi kia không trở về được nơi họ vẫn còn thanh thản, chưa âu lo, chưa bị phiếu xét nghiệm, tiền thuốc, bệnh tật ám ảnh giày vò. Bà cụ không về được một bờ sông, có người mẹ hồn hậu hay tha thẩn nhớ thương con, với một tình thương dạt dào, tin rằng giờ này, ở cái thành phố xa xôi đó, thằng nhỏ chắc cũng nhớ mình. Lòng mẹ bao dung có làm bà quên vẻ mặt đứa con nhẹ nhõm như một cái phủi bụi trên vai áo khi tiễn bà đi, khi để bà ở lại chơ vơ giữa một bến xe chao chác những người dưng?

Và tôi nữa…

Người ta làm sao để bỏ lại bên ngoài cửa những bài học dại khôn sau khi đi một ngày đường…

Nguyễn Ngọc Tư