Bát cơm trắng lòng [Tuổi Trẻ]

Bát cơm trắng lòng

TTCT - Vào quán ăn cơm thường được phục vụ trọn vẹn bữa ăn với thịt, cá, rau... Nhưng ở Sài Gòn vẫn có những quán “bán cơm không”, “bán cơm trắng” xuất hiện đây đó. Nhờ nó mà không ít người tạm no đủ trong cuộc sống đầy hoàn cảnh của mình.

 

Mua cơm không tại quán chị Xuân Trang (hẻm 240 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng
 

Buổi chiều oi bức trong con hẻm 240 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM, quán cơm trắng của chị Trần Thị Xuân Trang í ới những tiếng gọi mua: “Chị Trang ơi cho nửa ký”, “Cho tui hai ngàn cơm!”. Người mua đến vội vã, đi hấp tấp, chẳng lựa chọn bao giờ. Nồi cơm trắng dậy mùi, hơi nóng bốc nghi ngút.

Chắc bụng cả ngày

Bà Võ Thị Ân, người nhỏ thó, lọt vào đám khách mua cơm hối hả ấy. Tay xách cập rập đến năm bọc cơm, bà giải thích: “Mua giùm luôn mấy chị trong nhà, chút nữa về tối hết cơm mất”. Quê ở Phú Yên, bà vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống với con gái 13 tuổi. Hai mẹ con và những người khác tém gọn cuộc sống trên căn gác gỗ nhỏ xíu của chủ đại lý vé số.

Nhà chủ không cho nấu ăn trên gác vì sợ hỏa hoạn. Chẳng ai trong nhà dám có ý nghĩ ăn bữa cơm tiệm đến 15.000đ/đĩa. Tính đi tính lại, cả nhà trọ đều tìm đến quán cơm trắng của chị Trang. Mọi người trong nhà tự xoay xở lấy, tự muối hũ cà, giã lọ vừng (mè), hoặc khá hơn là mua quả cà nướng hay miếng đậu hũ ngoài chợ thêm vào chén cơm cho no bữa.

 

“Cô làm ơn” là cách ông giáo già Nguyễn Ngọc Đức gọi chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ quán cơm không ở 149 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM. “Làm ơn, vì nhờ có cô mà chỉ mấy ngàn tiền lẻ tui cũng có cơm ăn. Nhiều khi không có tiền cứ mua thiếu thoải mái, chẳng sợ đói” - ông Đức giải thích.
Mẹ con bà Ân ăn nửa ký cơm với hai quả trứng gà luộc dầm nước mắm, tính đi tính lại cũng chỉ hết 10.000đ. Cả tháng trời mỗi người mới hết gần 400.000đ tiền ăn. Mẹ con bà để dành từng đồng về lo cho gia đình ở quê. Bà nói: “Chắc bụng cả ngày, không lo bị đói” rồi cười rổn rảng. Ở quê nhà bà còn hai đứa nhỏ đi học. Bớt đi chút miếng ăn ở phố xá này, tụi trẻ có thêm tấm áo cái quần để ngày đến trường không lỡ nhịp.

 

Ở quán cơm của chị Trang, những người phải tính toán chi li từng đồng cho bữa ăn như bà Ân lúc nào cũng có. Mỗi khi trời tối, quán cơm vắng đi một chút, chị Trang lại phải gọi lớn: “Qua lấy cơm chứ coi chừng hết nè viên chiên!”. Người đàn ông bán cá viên chiên có khuôn mặt đen nhẻm vội vã chạy qua nhận bọc cơm đã được để sẵn, anh móc 2.000đ trong túi quần vuốt phẳng phiu trả tiền cơm. Quay về xe, anh chiên một xâu cá viên, bỏ vào bao cơm, xịt chút tương ớt rồi ăn bữa tối.

Năm năm nay, anh bán cá viên chiên Trần Ngọc Quý lúc nào cũng là khách ruột của quán vào giờ trễ này. Đi đâu thì đi, tới giờ cơm trưa và tối anh lại đạp xe về ngay đầu hẻm ăn cơm trắng của chị Trang. Ngày nào cũng cá viên chiên, tương ớt phủ lên bao cơm 2.000đ, thế là anh xong cả bữa. Thỉnh thoảng bữa tối tươm tất và lạ miệng hơn khi anh mang theo miếng thịt kho mặn vợ gói cho từ sáng sớm. Anh cười: “Ăn ngán thấy mồ à. Nhưng còn vợ với hai đứa con, vợ lại mới sinh không ăn thế này được, không gắng thì cả nhà làm sao sống nổi”.

Anh Quý bảo nhiều người đến mua cơm ở đây rồi cứ thế ăn nhạt, anh còn ngon lành có xâu cá viên thêm chất lượng. Xe cá viên chiên hằng ngày giúp anh kiếm hơn trăm ngàn. Hai bữa ăn cả ngày của anh chỉ tốn chưa đến 10.000đ. Bao cơm trắng lại dậy mùi thơm khi anh về nhà lúc 12 giờ khuya, anh hôn lên má hai đứa nhóc đã ngủ say và ăn thêm cơm vợ nấu để phần đợi anh về.

Cứ như thế quán cơm trắng của chị Xuân Trang đã đi qua 10 năm với những người khó nhọc của Sài Gòn như bà Ân, anh Quý. Ở trong con hẻm nhỏ này, dân tứ xứ khắp nơi đổ về mưu sinh, những căn nhà trọ ọp ẹp chật chội nên ít ai có thể tự nấu bữa cơm đúng nghĩa cho mình. Có lẽ vì vậy mà chừng ấy thời gian cơm từ 2.000đ/kg đến bây giờ 7.000đ/kg, những người nghèo trong con hẻm nhỏ này vẫn gắn bó với nồi cơm của anh chị, riết thành thân quen.

Chị Trang biết rõ hoàn cảnh từng người khách ăn cơm của mình: ông Ba xích lô lưng đã còng với người vợ đi run run và cậu con trai 30 tuổi bị tâm thần sống trong phòng trọ chưa đến 5m2 cuối hẻm. Mỗi ngày ba người ăn đúng 1kg cơm. Vợ chồng cụ Hai Bé (hai người đều tên Bé) hơn 70 tuổi bán vé số từ Đồng Tháp lên... Người mua cũng biết nhau như ở quê. Chắc cùng chung phận nghèo, chung bữa cơm đạm bạc.

“Người nghèo ăn cơm cho qua bữa, no là chính. Trước đây tui còn bán thêm cà muối. Nhiều người chỉ mua hai ngàn cơm, một ngàn cà là qua bữa. Có người mua cơm mà chỉ dám xin thêm nước muối cà để ăn. Có người mua nửa ký cơm bốn ngàn mà trong túi chỉ có hai ngàn. Tội nghiệp lắm” - chị Trang chép miệng. Có lẽ vì thế mà chị cười rất tươi khi cụ Hai Bé mua cơm chịu, không cần ghi sổ làm chi, nhớ thì trả, không nhớ thì thôi.

Sau mỗi buổi tối, chị Trang đều dành ra ba bọc cơm nhỏ để biếu ba cụ già bán vé số sống gần nhà. “Bọc cơm có hai ngàn nhưng với các cụ thì quý lắm” - chị vừa giải thích vừa ủ ba bọc cơm vào xô cho nóng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Đức là khách hàng quen thuộc của quán chị Nga (149 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) hơn 10 năm nay - Ảnh: Ngọc Nga
 

Cơm bao no đong đầy bữa khó

Khác với cơm cân ký như quán chị Trang, quán cơm bao no của cô Nụ ở căn nhà 138A2/6 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM chẳng chưng bảng hiệu nhưng cánh xe ôm ai cũng biết. “Cứ vào đó buổi trưa, 12.000đ/suất cơm, ăn đến no thì thôi!” - người ta kháo nhau thế. Cô Nụ chủ quán chỉ giải thích: “Quán gì đâu, mình tui nấu bán cho người nghèo và sinh viên khu vực này ấy mà”.

Khách hàng của cô Nụ chủ yếu là sinh viên ở trọ trong nhà, người nhặt ve chai, chạy xe ôm. Buổi trưa, quán không có vẻ ồn ào nóng bức như những quán cơm khác. Khách hàng thong thả tự lấy cơm rồi ngồi ăn dưới giàn hoa giấy mát mẻ. Mấy cậu sinh viên ăn cơm xong mang chén bát ra chậu rồi lên nhà, chẳng ai tính tiền với cô.

“Bọn nó ở trọ nhà tui đó, ăn xong cuối tháng bố mẹ gửi tiền trả luôn” - cô Nụ giải thích. Trong nhà cô cho mấy chục sinh viên mướn phòng trọ. Thấy sinh viên chật vật với bữa cơm ngày càng tăng giá nên cô nấu cơm bán cho sinh viên với giá rẻ. “Nghe tiếng thở dài của chúng nó khi mua hộp cơm tui thương lắm. Vậy là nấu thôi. Lời có được nhiêu đâu” - cô Nụ tâm sự. Mấy người con đều thành đạt hết thấy mẹ vất vả cặm cụi nấu nướng cả ngày thì phàn nàn, nhưng cô Nụ vẫn không nghỉ nấu một ngày nào vì “sợ tụi nó đói”.

Gần cuối bữa cơm trưa, một phụ nữ chừng 50 tuổi rụt rè trước quán hỏi cô Nụ: “Bán tui ba ngàn cơm trắng được không?”. Cô Nụ gật đầu bưng ra một đĩa cơm còn bốc khói đặt lên bàn cộng với chút đồ xào và nước cá kho. “Chị ăn với cái này cho dễ ăn” - cô Nụ cười.

Người phụ nữ hơi ngỡ ngàng rồi lặng lẽ ăn. Bà là Nguyễn Thị An, quê ở Hà Tĩnh, mấy hôm nay nuôi con bị bệnh ở viện tim. Nghe người xe ôm chỉ tới quán cơm cô Nụ để ăn chỉ 12.000đ mà ăn thoải mái, đến no thì thôi. Đang chờ tiền ở quê gửi vào nên trong túi bà chỉ còn năm ngàn. “Đánh bạo vào hỏi mua cơm không, cứ sợ dân Sài Gòn chửi cho, không ngờ còn được cho thêm đồ ăn nữa” - bà An tâm sự.

Ở quán cô Nụ, nhiều cảnh đời khó nhọc đến xót lòng. Đôi khi cô chủ quán chỉ nới tay xới đĩa cơm thật đầy cho người ăn là đong thêm biết bao sự cảm thông và chia sẻ vào đó. Người khách ghé quán no bụng và tiếp tục bước vào dòng xoáy nhọc nhằn của cuộc đời có nhờ phần của miếng cơm ngon mỗi bữa ấy.

Sài Gòn lạ quen không ai biết. Có những người miệt mài sống và hi vọng những đổi thay tốt đẹp. Những túi cơm không trắng tinh cân ký, những tấm bảng viết chữ to chưng ngoài đường “cơm bao no” làm ấm lòng cả những người bán - mua xa lạ vốn chẳng kịp nhìn nhau khi cuộc sống lướt qua quá vội vàng. Những người bán cơm tình nghĩa ấy chưa để khách phải bụng đói ra về, ngay cả khi khách chỉ còn 2.000đ trong túi áo.

LAN PHƯƠNG - NGỌC NGA